Đi siêu thị tại Philippines
Nếu bạn sống ở Philippines chắc chắn sẽ thấy các thương hiệu siêu thị trong bài này rất quen thuộc. Đi siêu thị tại Philippines có nhiều tiện lợi là mát mẻ, giá cả niêm yết rõ ràng (tuy hơi mắc). Quan trọng là gần khu dân cư, rất an ninh.
Đối với người nước ngoài, đi siêu thị là lựa chọn tốt nhất khi mua sắm thực phẩm và vật dụng hàng ngày.
Hãy điểm qua một vài siêu thị tại Philippines nhé!
SM Market
Hệ thống SM phủ sóng hầu hết ở tất cả các tỉnh thành ở Philippines. Đây cũng là siêu thị có giá cả ổn định, trung bình, phù hợp với người dân bản địa.
SM còn là một trung tâm thương mại đổi tiền đô. Nó hỗ trợ thanh toán hóa đơn điện nước, bán quần áo, giày dép, đồ nội thất và cả đồ điện tử.
Theo số liệu tháng 11/2018 (Wikipedia) thì có 72 SM tại Philippines và 7 SM tại Trung Quốc. 3 SM lớn nhất tại Philippines là SM Megamall, SM North Edsa and SM Mall of Asia.
SM có thẻ SM Advantage card (đến quầy Customer Service, mua chỉ P150). Thẻ này kết nối với rất nhiều dịch vụ và nhãn hàng khác nhau.
Nên bạn có thể mua hàng và tích lũy, sau đó dùng điểm này để đổi hàng mới.
Nhiều bạn mua TV, tủ lạnh tại SM sau đó tích lũy điểm đổi được tiền để mua thức ăn.
SM hiện nay có thanh toán bằng cả Wechat nữa nhé!
Website: https://smmarkets.ph/
Rustan’s supermarket
So với SM thì Rustan cao cấp hơn và số lượng cũng ít hơn. Rustan thường nằm ở các khu nhà giàu (BGC, Makati, Rockwell, etc) và các khu chung cư sang trọng.
Mình đã thử so giá thì một số mặt hàng như dầu gội đầu, dầu ăn, khăn giấy, etc. Dù cùng thương hiệu nhưng SM lại rẻ hơn Rustan.
Điểm mạnh của Rustan là các mặt hàng nhập quốc tế như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand rất phong phú. Rustan bày trí rất đẹp, sạch sẽ và sang trọng hơn SM rất nhiều.
Hiện tại Rustan có 16 chi nhánh tại Metro Manila, 2 cái ở Cebu, và 1 cái ở Cagayan De Oro
Website: https://rustansfresh.com
Shopwise
Shopwise cùng chung tập đoàn với Rustan nhưng nhắm vào phân khúc khách hàng bình dân.
Shopwise cũng có Shopwise Wise card để tích lũy điểm và đổi quà.
Theo trên website chính của Shopwise thì có 39 chi nhánh, rải rác ở các khu vực đông dân cư với thu nhập trung bình.
Shopwise hiện mở thêm phiên bản mới là Shopwise express với quy mô nhỏ (tương tự như 7/11), giúp việc mua hàng và thanh toán dễ dàng hơn.
Website: https://www.shopwise.com.ph/
Wellcome
Wellcome cũng chung chủ với Rustan và Shopwise (hoạt động rất mạnh tại Hongkong). Nhưng tại Philippines thì chỉ có vài chi nhánh.
Theo mình thì thấy tương tự như Shopwise, chỉ khác thương hiệu mà thôi.
Facebook: https://www.facebook.com/WellcomePhilippines/
Walter Mart
Thương hiệu siêu thị bình dân, có 31 chi nhánh tại Philippines.
Walter Mart đẩy mạnh việc giao hàng tận nơi.
Website: https://www.grocerydelivery.com.ph/
Robinson’s Supermarket
Robinsons có 3 phân khúc: Robinsons Supermarket dành cho khách hàng bình dân. Robinsons Selections dành cho khách hàng cấp cao. Robinsons Easymart tương tự như Shopwise express.
Website: https://www.robinsonssupermarket.com.ph
Landmark
Hệ thống Landmark tương tự như SM vừa là siêu thị, vừa là trung tâm thương mại luôn.
Năm 2018 vừa qua, phóng viên đột nhập vào khu vực nhân viên và phát hiện nhân viên bị đối xử rất tệ bạc, môi trường nghỉ ngơi không vệ sinh.
Theo mình thấy đồ ăn ở đây tươi và sạch sẽ, hàng hóa nhiều nhưng quản lý rất mắc cười.
Khi tính tiền, sẽ có một nhân viên scan giá món hàng. Sau đó hàng sẽ chuyền tiếp đến 1 nhân viên khác đóng gói và kiểm tra hàng.
Nhân viên đó đồng thời khoanh tròn trong hóa đơn để xác nhận món hàng mình nhận là món ghi trong hóa đơn. Nhưng hai người đó đứng kế bên nhau luôn, sao phải chuyền qua chuyền lại, rồi làm thêm thao tác khoanh tròn nữa.. hahaha khó hiểu quá!
Các bạn phải đi rồi trải nghiệm lời mình tả ở trên hehe
Website: https://www.landmark.com.ph
Nhận xét về siêu thị tại Philippines
- Tuy cùng hệ thống siêu thị, nhưng tùy vào địa điểm mà độ tươi của thực phẩm khác nhau. Ví dụ Rustan ở Rockwell theo mình luôn bán đồ tươi ngon và luôn cập nhật hàng mới so với các Rustan khác.
- Ở Makati, đi siêu thị phải đem theo giỏ xách đựng đồ nếu không siêu thị sẽ để đồ bạn vào túi giấy hoặc thùng giấy (do cả Makati quyết bảo vệ môi trường, không dùng bao ni lông)
- Siêu thị không có nhiều loại rau củ, trái cây tươi và nấm để lựa chọn và thường rất mắc.
- Món hột vịt lộn nổi tiếng ở Phi, nhưng mình lại không thấy bán phổ biến ở siêu thị (rau râm cũng không bán)
- Trứng ở đây thường màu trắng, ít có màu vàng (màu vàng mắc gấp đôi) Mình cũng không tìm thấy trứng vịt muối
- Các bạn sẽ thấy rất nhiều nhãn hiệu, ngay cả thịt, rau củ quả. Ví dụ, cùng một loại thịt gà, nhưng sẽ có hiệu A, hiệu B, hiệu C. Cùng một loại cà rốt nhưng có loại hữu cơ (organic) và không. Nên các bạn nên dạo 1 vòng dò giá trước khi chọn nhé!
- Người Việt sống ở Philippines thường chỉ mua các sản phẩm như dầu gội đầu, xà bông ở siêu thị, còn thực phẩm tươi sống sẽ đi “wet market” để mua (thói quen người Việt ăn đồ tươi)
- Lúc tính tiền các bạn nên để ý xem người tính tiền có đúng không, kiểm tra lại hóa đơn trước khi thanh toán. Đã có nhiều trường hợp một món đồ mà tính tiền hai lần hoặc điền sai số tiền
Nguồn: Trangdangdidau